Ở trận ra quân, Iran đã gây sốc khi giành chiến thắng trước đối thủ Morocco. Bất ngờ hơn, Iran đang là đội dẫn đầu bảng B – bảng đấu có sự góp mặt của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Thế nhưng, có lẽ giấc mơ đi tiếp của họ sẽ phải tạm gác lại khi đối thủ vòng này của Iran là Tây Ban Nha.
Không thể phủ nhận rằng, Iran đã chơi vô cùng kiên cường trước đối thủ Morocco ở lượt trận đầu tiên. Họ chơi phòng ngự kín kẽ khiến cho những đợt tấn công của Morocco dần trở nên bế tắc khi đi về phía cuối trận. Nhìn vào tỷ lệ kiểm soát bóng, có thể thấy được rằng Iran đã chơi phòng ngự có phần tiêu cực như thế nào trước đối thủ Morocco. Đội bóng Tây Á không thể chơi đôi công được với đối thủ mạnh đến từ châu Phi như Morocco. Iran thậm chí còn chủ động nhường bóng để đội bạn triển khai và chỉ nhăm nhe chờ cơ hội. Đó là lý do họ chỉ có 32% tỷ lệ kiểm soát bóng, trong khi đó 68% còn lại là của Morocco.
Iran ra sân với một chiến thuật vô cùng rõ ràng: phòng ngự chặt và chờ thời cơ từ những tình huống cố định. Bằng chứng là họ không có bất cứ một pha tự triển khai bóng nào trong suốt cả trận. Iran có đến 6 tình huống đá phạt cố định bao gồm cả phạt góc. Và 1 trong số 6 tình huống này đã trở thành bàn thắng. Iran đã rất may mắn có được bàn thắng do pha đánh đầu phản lưới nhà của Aziz Bouhaddouz ngay ở những phút bù giờ.
Và với chiến thắng này cộng với trận cầm chân nhau giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đại diện của châu Á đang là đội bóng dẫn đầu bảng B với 3 điểm. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp cho Iran thoát khỏi thực tại khi 2 đối thủ sắp tới của họ là những ứng cử viên cho chức vô địch. Việc giành chiến thắng trước Morocco sẽ cổ vũ thêm tinh thần và sự tự tin rất nhiều cho Iran, song họ khó lòng tránh khỏi thất bại ở cả 2 vòng đấu cuối khi 2 vị trí đầu thực sự không dành cho họ.
Tây Ban Nha sẽ là đối thủ tiếp theo của Iran. Chắc chắn, đội bóng Tây Á sẽ tiếp tục chơi phòng ngự kín kẽ như thế. Song Tây Ban Nha với lối chơi Tiqui-taka đã quá quen với việc cầm và triển khai bóng. Những ngôi sao của họ đủ sức để vượt qua được bức tường thành dù kiên cố đến mấy cũng vẫn còn thiếu chút gì đó gọi là “chất lượng”. Phòng ngự tiêu cực trước Tây Ban Nha không khác nào “thả hổ về rừng” cả. Khó lòng Iran sẽ làm được kỳ tích trước Tây Ban Nha với lối đá trên.