Từng là một trong những đại diện ưu tú của bóng đá Châu Á tham gia tranh tài tại ngày hội bóng đá của thế giới. Thế nhưng, 2 kỳ World Cup liên tiếp 2010 và 2014, Ả Rập Saudi – Saudi Arabia phải ngậm ngùi rời khỏi cuộc chơi. Khi vòng loại World Cup 2018 khu vực Châu Á khởi tranh, không quá nhiều CĐV của Ả Rập Saudi tin vào cơ hội tiến thẳng vào VCK trên đất Nga của đội nhà. Thế nhưng, điều đó đã xảy ra, chứ không phải chỉ có trong giấc mơ.
Vỡ òa ở thời điểm cuối
10 năm vừa qua, ĐTQG Ả Rập Saudi có dấu hiệu đi xuống khi các tài năng trong đội hình ngày càng khan hiếm. Vậy nên vị thế của họ cũng giảm sút không phanh và chỉ được xếp ở nhóm 2 trong số những đội bóng mạnh nhất của Châu Á. Thế nên khi bước vào chặng đường của vòng loại World Cup 2018 khu vực Châu Á, Ả Rập Saudi phải trải qua vòng hai trước các đối thủ Palestine, Đông Timor, Malaysia và UAE. Với sức mạnh vượt trội, Ả Rập Saudi dễ dàng góp mặt vào vòng loại cuối cùng.
Tại đây, Ả Rập Saudi nằm ở bảng B với các đối thủ Nhật Bản, Australian, UAE, Iraq và Thái Lan. Dù gặp phải rất nhiều thách thức, song thầy trò HLV Bert van Marwijk đã trải qua một hành trình đầy kiên cường – đặc biệt là ở những lượt trận cuối cùng để chính thức giành vé đến Nga. Ba trận cuối, Ả Rập Saudi lần lượt bị Australian (2-3) và UAE (1-2) đánh bại, do đó buộc phải chiến thắng Nhật Bản để có thể giành vị trí thứ 2 của bảng B. Kết quả, Ả Rập Saudi đã chơi một trận đấu tuyệt vời trước đội bóng đến từ “xứ mặt trời mọc” và chính thức biến giấc mơ World Cup thành hiện thực.
Ngay sau khi ĐT Ả Rập Saudi chính thức giành vé đến World Cup, một thông tin rất tệ đã đến với các CĐV cũng như toàn bộ cầu thủ đã đến khi HLV Bert van Marwijk đã bị LĐBĐ Ả Rập Saudi sa thải vì lý do ĐT cần một HLV mới để đi đến thành công tại VCK World Cup và cựu HLV Argentina Edgardo Bauza là người được chọn để kế nhiệm ông Bert van Marwijk.
Đây thực sự là điều bất công đối với cựu HLV của ĐT Hà Lan bởi nếu không có Bart van Marwijk, chưa chắc Ả Rập Saudi có thể được góp mặt ở World Cup 2018 và ông xứng đáng được cùng các học trò của mình chinh phục thử thách tiếp theo trên đất Nga. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng đã được đưa ra và Edgardo Bauza sẽ là người chèo lái cho con thuyền mang tên Ả Rập Saudi ở World Cup 2018.
Một Ả Rập Saudi rất khác tại World Cup 2018
Dưới thời của HLV Bart van Marwijk, ĐT Ả Rập Saudi là một trong số những đội bóng có lối chơi tấn công đẹp mắt nhất tại Châu Á. Vậy nên tại vòng loại thứ 3, Ả Rập Saudi đã nã vào lưới đối thủ 16 bàn thắng – thành tích tốt thứ 2 trong số các đội bóng Châu Á(chỉ đứng sau Nhật Bản). Còn ở vòng loại thứ 2, Ả Rập Saudi ghi đến 25 bàn thắng. Sẽ thật sự tuyệt vời nếu như điều đó được tiếp diễn ở VCK 2018. Nhưng khi Bart van Marwijk bất ngờ chia tay, ĐT Ả Rập Saudi nhiều khả năng sẽ là một hình ảnh rất khác.
Edgardo Bauza đã lên nắm quyền và trong quá khứ, vị chiến lược gia người Argentina luôn nổi tiếng là người đề cao lối chơi phòng ngự. Thậm chí khi dẫn dắt ĐT Argentina với những siêu sao tấn công trong đội hình như Lionel Messi, Angel Di Maria, Kun Aguero, phong cách đó của HLV Bauza cũng không bị dịch chuyển.
Đây sẽ là bài toán rất khó cho Bauza bởi các học trò mới của ông trong đội hình Ả Rập Saudi vốn đã quen với triết lý lấy tấn công dựa trên những tình huống triển khai bóng ngắn làm nền tảng – nhất là khi họ đang sở hữu chân sút tài năng như Mohammad Al Sahlawi, người ghi đến 16 bàn thắng ở chiến dịch vòng loại. Và khi phục vụ cho sơ đồ chủ yếu chỉ chơi phòng ngự, chắc chắn có nhiều vấn đề sẽ được bộc lộ. Thực tế, ở vòng loại thứ 3, Ả Rập Saudi là một trong số những đội bóng phòng ngự kém nhất khi để thủng lưới đến 10 bàn.
Từ thời điểm chính thức lên nắm quyền (tháng 11) đến lúc diễn ra VCK World Cup 2018 (giữa tháng 6), HLV Bauza sẽ có 7 tháng để làm việc cùng các học trò và tìm ra tiếng nói chung. Hy vọng với quãng thời gian không dài, nhưng cũng không quá ngắn ngủi này, vị chiến lược gia 60 tuổi sẽ biến Ả Rập Saudi thành một tập thể hoàn toàn khác và đủ sức thách thức các đội bóng khác ở VCK World Cup 2018, mà trước hết là ở bảng A.
So với các đội bóng Châu Á khác, Ả Rập Saudi là những người may mắn hơn cả khi lá phiếu may rủi đưa họ vào cùng bảng đấu với đội chủ nhà Nga, Ai Cập và Uruguay. Dù được đánh giá là đội bóng yếu thế nhất tại bảng A, song cơ hội để Ả Rập Saudi không hẳn đã khép lại nếu như đại diện của Châu Á thật sự quyết tâm.